Tiến sĩ Hồ Văn Đàm – Hiệu trưởng nhà trường

1. Hội đồng trường: gồm 11 thành viên gồm 01 chủ tịch, 01 thư ký và 9 thành viên là đại diện Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn trường, Đoàn thanh niên, Giáo viên, cán bộ quản lý và đại diện doanh nghiệp . Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường được thành lập theo quyết định số 5031/QĐ-UBND ngày 24/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Hội đồng trường có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Quyết nghị phương hướng, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường;

– Quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế;

– Quyết nghị chủ trương sử dụng tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường theo quy định của pháp luật;

–  Quyết nghị cơ cấu tổ chức trường; về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của nhà trường; về việc đề nghị miễn nhiệm hiệu trưởng;

–  Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường.

–  Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo, giải trình với cơ quan chủ quản trường, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả hoạt động, việc thực hiện các cam kết và tài chính của trường;

–  Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thông qua phương án bổ sung, miễn nhiệm, cách chức hoặc thay thế các thành viên của hội đồng trường;

– Thông qua các quy định về số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của nhà trường;

–  Giới thiệu nhân sự để thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; thực hiện đánh giá hằng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết;

–  Yêu cầu hiệu trưởng giải trình về những vấn đề chưa được thực hiện, thực hiện chưa đúng, thực hiện chưa đầy đủ theo nghị quyết của hội đồng trường. Nếu hội đồng trường không đồng ý với giải trình của hiệu trưởng thì báo cáo cơ quan chủ quản trường.

2. Phòng tổ chức hành chính:

– Tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên.

– Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức.

– Quản lý cán bộ, hồ sơ, giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định hiện hành. Thực hiện kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ. Đề xuất thành lập các hội đồng tuyển dụng trình Hiệu trưởng phê duyệt.

– Tổng hợp hệ thống văn bản pháp quy của trường trình Hiệu trưởng phê duyệt và ban hành.

– Xây dựng kế hoạch – quy hoạch đội ngũ cán bộ, giáo viên, viên chức của trường trong từng giai đoạn phát triển.

– Theo dõi, tổng hợp bảng công hàng tháng, công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật của cán bộ, giáo viên.

– Theo dõi, tổng hợp công tác An ninh – Quốc phòng, công tác phòng cháy chữa cháy.

– Đảm bảo công tác hành chính trong toàn trường. Xây dựng  kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Quản lý, điều hành tổ bảo vệ và chịu trách nhiệm về công tác an ninh trật tự trong trường. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường

– Chăm lo điều kiện làm việc của chuyên gia, tình nguyện viên, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, các Hội đồng, giáo viên và cán bộ nhân viên.

– Thực hiện công tác văn thư lưu trữ và quản lý con dấu của trường. Lễ tân khánh tiết, kiểm soát tất cả các loại phương tiện ra vào trường đúng quy định.

– Tham mưu cho Hiệu trưởng các văn bản đến của các cấp để triển khai, thực hiện.

– Dự thảo, phát hành, theo dõi việc thực hiện các thông báo của Ban giám hiệu tới các phòng, ban, bộ phận. Quản lý sổ và ghi chép trong các cuộc họp giao ban. Quản lý và điều hành tổ lái xe.

– Quản lý, tôn tạo cảnh quan môi trường, xây dựng nếp sống văn hoá, môi trường sư phạm. Thực hiện công tác y tế, vệ sinh môi trường, tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

– Tổng hợp, đề xuất, mua sắm văn phòng phẩm của các phòng, khoa, trung tâm trình Hiệu trưởng phê duyệt.

– Phối hợp với các phòng, khoa liên quan tổ chức khám sức khoẻ, mua sắm trang bị ban đầu, bảo hiểm y-tế, thân thể cho học sinh sinh viên mới vào trường. Giải quyết các trường hợp học sinh bị ốm đau, tai nạn rủi ro.

– Được thừa lệnh Hiệu trưởng ký các văn bản khi được ủy quyền.

– Quản lý nhà ăn.

3. Phòng đào tạo NCKH và QHQT

– Tham mưu cho BGH về xây dựng quy hoạch phát triển đào tạo của nhà trường, kế hoạch, chiến lược hội nhập về đào tạo nghề, khu vực, quốc tế; kế hoạch giảng dạy, học tập từng khóa học, năm học, học kỳ, kế hoạch đào tạo hàng tháng, cùng với các khoa xây dựng Thời khóa biểu học tập của các lớp học.

– Theo dõi, kiểm tra, giám sát, quản lý tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giảng dạy của giáo viên.

–  Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hồ sơ, sổ sách của giáo viên và các khoa, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất giờ dạy của giáo viên theo nội dung chương trình, giáo trình các môđun/môn học của nhà trường thực hiện.

– Tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh hàng năm theo Quy chế tuyển sinh học nghề 08/2007 của Bộ LĐTBXH, cụ thể: Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, Thành lập Hội đồng tuyển sinh.Tổ chức thi tuyển, xét tuyển, xác định điểm trúng tuyển, gọi thí sinh nhập học, thực hiện chế độ báo cáo và lưu trữ…

– Công tác giáo dục Quốc phòng đầu khóa và hàng năm của trường

– Thư ký Hội đồng đào tạo. Chuẩn bị, hoàn thiện các loại hồ sơ, văn bản, mẫu biểu về công tác Đào tạo theo quy định của nhà nước

– Thực hiện công tác hành chính giáo vụ: Tổ chức khai, bế giảng, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học. Thống kê tổng hợp, quản lý điểm, kết quả đào tạo định kỳ báo cáo BGH và cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện việc quản lý hồ sơ gốc của học sinh, hồ sơ học sinh tốt nghiệp, quản lý các lớp liên thông, ngắn hạn. in ấn bằng, bảng điểm, cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề cho học sinh đúng quy định của TCDN.

– Tổ chức thực hiện các cuộc thăm dò, khảo sát, lấy ý kiến của:  người học, người sử dụng lao động, giáo viên… về các vấn đề thuộc lĩnh vực đào tạo

– Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, thiết bị dạy nghề tự làm, các Hội thảo khoa học (chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức tổ chức dạy học…)

Tổ chức và tham gia Hội giảng, Hội thi các cấp (giáo viên giỏi, học sinh giỏi…). Tổ chức cho học sinh làm các đề tài tốt nghiệp…

Tổ chức biên soạn, chỉnh sửa bổ sung thay đổi chương trình, giáo trình.

Theo dõi việc đề xuất sửa chữa, mua sắm vật tư, trang thiết bị…

Thực hiện thanh quyết toán các hợp đồng đào tạo, thanh toán tiền thừa giờ của giáo viên hàng năm

Quản lý, điều hành hoạt động của Thư viện

Xây dựng và phát triển mối quan hệ Hợp tác quốc tế với các tổ chức, các trường nước ngoài

Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác theo sự phân công của Hiệu trưởng

Quản lý cán bộ, viên chức theo phân cấp của hiệu trưởng. Quản lý tài sản, cơ sở vật chất được giao.

4.  Phòng kế hoạch dịch vụ

– Tham mưu cho Ban giám hiệu xây dựng kế hoạch hoạt động của nhà trường trong từng học kỳ, năm học và định hướng phát triển của Trường.

– Giám sát và kiểm tra các hạng mục xây dựng, sữa chữa trong trường theo đúng các qui định về quản lý xây dựng cơ bản hiện hành, đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ, chất lượng của dự án và pháp luật quy định.

– Lập và thực hiện kế hoạch thực tập – sản xuất, tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường, tư vấn giới thiệu du học.

– Cung ứng vật tư phục vụ giảng dạy, học tập, sản xuất và dịch vụ.

– Quản lý, lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, sữa chữa cơ sở vật chất Nhà trường.

5. Phòng công tác học sinh, sinh viên

– Quản lý, tổ chức và phối hợp với các đoàn thể, các đơn vị liên quan trong nhà trường, chăm lo công tác giáo dục  chính trị tư tưởng trong học sinh.

– Tổ chức tiếp nhận học sinh trúng tuyển vào trường, Đề nghị xử lý những trường hợp học sinh không đủ điều kiện và các thủ tục hồ sơ vào trường; Tiến hành làm thẻ học sinh, quản lý hồ sơ học sinh sinh viên.

– Phối hợp với các phòng, khoa liên quan tổ chức khám sức khoẻ ban đầu cho học sinh mới vào trường, khám sức khoẻ định kỳ trong thời gian học theo quy định tại thông tư liên bộ Y tế – Giáo dục và đào tạo. Tổ chức và phối hợp với phòng Đào tạo, các bộ phận liên quan, thực hiện việc giáo dục định hướng đầu khoá cho HSSV. Phổ biến thời sự, chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh, các nội quy, quy chế, thông tư chỉ thị liên quan đến học sinh, giáo dục truyền thống nhà trường, giáo dục pháp luật thường thức, vấn đề thời sự môi trường dân số.

– Tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần của học sinh: ăn ở, sinh hoạt, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội khác của học sinh nội trú trong Ký túc xá và theo dõi quản lý học sinh ngoại trú.

– Tổ chức thực hiện các chế độ chính sách của nhà nước quy định đối với học sinh về học bổng , miễn giảm học phí và các chế độ khác.

6. Phòng tài vụ

Tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác tài chính, kế toán của nhà Trường. Tổ chức thực hiện các hoạt động tài chính đúng quy định nhà nước, nguyên tắc quản lý tài chính hiện hành:, Chịu trách nhiệm trước Hiệu Trưởng về công tác ngân sách, tài chính, kế toán: quản lý và phân phối tài chính , giám sát việc sử dụng tài chính, định mức thu, chi  tài chính, quyết toán tài chính trên cơ sở Pháp luật kế toán   của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt và quy chế nội bộ trường hiện hành.

7. Các khoa, trung tâm

Khoa, bộ môn trực thuộc trường có nhiệm vụ:

– Quản lý giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và người học thuộc khoa, bộ môn theo phân công của hiệu trưởng;

– Thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập và các hoạt động ngoại khóa khác theo chương trình, kế hoạch giảng dạy hằng năm của trường theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bao gồm:

– Xây dựng chương trình đào tạo của từng ngành, nghề theo từng trình độ đào tạo thuộc khoa, bộ môn mình quản lý hoặc do hiệu trưởng giao.

– Tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các môn học, mô-đun, tín chỉ liên quan bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa các môn học, mô-đun, tín chỉ của chương trình đào tạo hoặc giữa các trình độ đào tạo.

– Tổ chức phát triển chương trình đào tạo, xây dựng các đề án, biên soạn tài liệu, giáo trình đào tạo theo định hướng phát triển của nhà trường; phát triển chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định.

– Tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

– Xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học, bảo đảm chuẩn đầu ra của người học theo cam kết đã được công bố, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

– Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến ngành nghề đào tạo và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của khoa, bộ môn;

– Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên; ngành, nghề đào tạo và cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học; tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; thực hiện các hoạt động thực nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào quá trình đào tạo;

– Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động, người học; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và người lao động thuộc khoa, bộ môn;

– Tổ chức đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong khoa, bộ môn và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong trường theo quy định của nhà trường;

– Quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo quy định của hiệu trưởng; đề xuất, xây dựng các kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị đào tạo của khoa, bộ môn;

– Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của hiệu trưởng.

– Trưởng khoa, trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn

– Khoa, bộ môn trực thuộc trường có trưởng khoa, trưởng bộ môn và có thể có các phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn. Trưởng khoa, trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định và được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức, hoạt động của trường;

– Trưởng khoa, trưởng bộ môn chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của khoa, bộ môn theo nhiệm vụ được quy định tại khoản 2 Điều này và theo phân công của hiệu trưởng;

– Trưởng khoa, trưởng bộ môn phải có trình độ đại học trở lên phù hợp với ngành, nghề đào tạo tại khoa, bộ môn;

– Phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn giúp trưởng khoa, trưởng bộ môn trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của khoa, bộ môn. Số lượng phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy mô đào tạo của khoa, bộ môn, của nhà trường và được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức, hoạt động của trường;

– Trưởng khoa, trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn phải có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ cao đẳng, có kinh nghiệm quản lý đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học ít nhất là 02 năm và có năng lực quản lý.

– Độ tuổi khi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu tiên của trưởng khoa, trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, phó trưởng bộ môn của trường cao đẳng công lập không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm.