I. Thông tin chung về trường

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

The Vietnam – Korea Industrial Technology College

Địa chỉ : Đường Hồ Tông Thốc – Xã Nghi Phú – Thành Phố Vinh – Tỉnh Nghệ An.

Điện thoại : 02383.511235; 0383.511454;  Fax: 02383.852194.

Email : cdviethanna@gmail.com.

Website: https://www.vkc.edu.vn

facebook: https://www.facebook.com/viethanna 

II. Địa vị pháp lý của Trường

– Trường cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là cơ sở  giáo dục nghề nghiệp công lập, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân.

– Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc thành lập theo quyết định số 258/QĐ-BLĐTBXH ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quyết định số 693/QĐ-LĐTBXH của Bộ lao động Thương binh và Xã hội ngày 18/5/2017 về việc đổi tên thành trường Cao đẳng KTCN Việt Nam – Hàn Quốc.

– Trường cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ một phần theo Quyết định 4649/QĐ-UBND ngày 09/10/2017 tỉnh Nghệ An ngày  có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

III. Tầm nhìn và mục tiêu

Tầm nhìn: Trường cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt đẳng cấp khu vực và Quốc tế.

Mục tiêu chung của Trường:  Đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

Mục tiêu cụ thể: Đối với từng trình độ do trường đào tạo là:

  1. Đào tạo trình độ sơ cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề cùng với đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động;
  2. Đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm;
  3. Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

IV. Nhiệm vụ

  1. Đào tạo lao động kỹ thuật có các cấp trình độ khác nhau (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) 12 nghề: Điện tử công nghiệp; Cơ điện tử, Quản trị mạng máy tính, Điện công nghiệp, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Bảo trì thiết bị cơ khí, Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, Ngôn ngữ tiếng Hàn Quốc, Kỹ thuật làm bánh Hàn Quốc. Trang bị cho người học năng lực thực hành tương xứng với trình độ đào tạo, có các phẩm chất về chính trị, tác phong công nghiệp, kiến thức, kỹ năng và sức khoẻ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
  2. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chương trình, giáo trình, học liệu giáo dục nghề nghiệp ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp đối với các nghề Điện tử công nghiệp; Cơ điện tử, Quản trị mạng máy tính, Điện công nghiệp, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Bảo trì thiết bị cơ khí, Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Kỹ thuật làm bánh.
  3. Xây dựng kế hoạch đào tạo, kế hoạch tuyển sinh và tổ chức thực hiện. Tổ chức các hoạt động dạy và học, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ theo qui định của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
  4. Tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động.
  5. Tổ chức Huấn luyện và cấp chứng nhận an toàn-vệ sinh lao động cho tất cả HSSV trường trung cấp, Cao đẳng, Đại học và các doanh nghiệp tại Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
  6. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân kỹ thuật; Kiểm tra, thi nâng bậc thợ cho các lao động trong các doanh nghiệp, nhà máy, đơn vị sản xuất.
  7. Liên kết đào tạo các bậc học khác nhau với các trường, cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.
  8. Tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo, quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường theo các qui định của luật lao động, luật giáo dục nghề nghiệp.
  9. Tư vấn và giới thiệu việc làm sau đào tạo; Đào tạo ngoại ngữ và cấp chứng chỉ đào tạo; Đào tạo giáo dục định hướng cho xuất khẩu lao động; Sản xuất dịch vụ vừa và nhỏ phục vụ đào tạo.
  10. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ về kỹ thuật và công nghệ vào công tác đào tạo và sản xuất.
  11. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học trong việc dạy người và giáo dục nghề nghiệp.
  12. Quản lý sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính của trường theo đúng qui định của pháp luật.
  13. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo qui định.
  14. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu và nhu cầu cần thiết theo qui định của pháp luật.

V. Quyền hạn

  1. Được chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển Nhà trường phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp của quốc gia, của khu vực và của tỉnh. Từng bước nâng cấp về qui mô, loại hình, ngành nghề, chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống.
  2. Được huy động các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công tác đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quản lý, sử dụng các nguồn lực huy động được theo qui định của pháp luật.
  3. Được phép thành lập các đơn vị trực thuộc trường theo cơ cấu tổ chức đã được phê duyệt trong qui chế tổ chức và hoạt động của trường. Quyết định bổ nhiệm các chức vụ từ cấp trưởng phòng, khoa và tương đương trở xuống.
  4. Phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm tạo điều kiện cho học sinh thực tập sản xuất, gắn đào tạo với thực tế sản xuất và tư vấn giới thiệu việc làm sau đào tạo và cập nhật công nghệ vào xây dựng chương trình đào tạo. Hợp tác, liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.
  5. Sử dụng nguồn thu từ các hoạt động kinh tế, dịch vụ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho sự nghiệp phát triển, nâng cao đời sống cho giáo viên, cán bộ, CNV nhà trường.
  6. Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, được hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao hoặc theo đơn đặt hàng. Được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng theo qui định của pháp luật.